Hướng dẫn | Đăng nhập | Đăng ký |    

VietNam English
Online 2423 | Hotline: (84 8) 37 156 156
Tin tức - Sự kiện
Tìm Tin tức - Sự kiện  
Campuchia: Điểm đến 2011
Theo thỏa thuận giữa 3 nước Đông Dương, sau Việt Nam – Điểm đến 2010. Campuchia sẽ là điểm đến 2011. Không đợi thời gian trôi, Campuchia “xúc tiến du lịch” một cách tự nhiên đến hồn hậu.

Sau 72 giờ đến Campuchia, tôi đã bị mê hoặc bởi mảnh đất tưởng chừng như cằn cỗi vì thảm họa diệt chủng, mảnh đất của những lầu son bóng cũ như những ngôi đền Angco khắc khoải với thời gian.

Tôi đến Campuchia đúng vào dịp đón tết Khơme như một cơ duyên được cùng người dân địa phương hòa nhập vào nét văn hóa huyền bí - tâm linh. Và như thế, tôi chợt hiểu, vì sao Campuchia lại đang nổi lên như một điểm đến mới của các du khách.

Đất chùa chiền

Rời xa Hà Nội khi cái rét nàng Bân còn khắc khoải trong từng manh áo ấm, ánh mắt tôi chợt vỡ òa bởi màu vàng tưởng như chan hòa khắp Phnompenh. Màu vàng chói của ánh nắng, màu vàng tươi của những chùm hoa bò cạp tưởng như có mặt khắp các nẻo đường vốn trống trải hơn nhiều so với những con đường tất bật của Hà Nội. Màu sơn son thiếp vàng phủ khắp các chùa chiền. Trang phục màu vàng nâu của những vị tăng sư khất thực khiến cho phố xá của nơi này có nét đặc trưng riêng.

Hình như, càng những ngày tết, cái màu vàng ám ảnh ấy lại càng rạng ngời lên, từ ngoài phố đến những khoảng riêng trong đời sống cộng đồng. Khách sạn chúng tôi ở vốn là của tập đoàn Nagaworld – một tập đoàn của Malaysia cũng không bỏ qua cơ hội Tết dân tộc để tạo nên sức hút cho mình. Tượng Vua Jayavaraman VII (người sáng lập ra Tết Khmer ngày nay khi ấn định ngày lễ tết dựa vào mùa thu hoạch của người dân – vua sư) đang ngồi trang nghiêm bằng đồng vàng được đặt giữa đại sảnh của khách sạn, bên cạnh là cây may mắn tràn ngập sắc màu sặc sỡ, và các nệm ngồi cho các nhà sư đã được sắp xếp vòng quanh. Các sắc vàng hoà trộn với sắc trắng của hoa sen pha chút phớt hồng tạo nên một không gian thiền khiến lòng người lắng đọng.

Ai cũng biết, đất nước Campuchia vốn là đất nước của chùa chiền nhưng điều ám ảnh tôi nhất khi đến những ngôi chùa này là những cánh hoa nhài mong manh đã được người dân nơi đây tết thành những chùm, những xâu chuỗi để kết hợp với hoa sen trắng dâng lên bàn thờ Phật. Không giày dép, không hương khói, không chen chúc, chỉ có sự tĩnh tại và lặng lẽ khi cúi mình cầu xin điều tâm niệm với Phật, khi khẽ uống từng ngụm nước được những nhà sư ủ hương từ những cánh sen và nhài. Tôi có cảm giác, những người dân Campuchia khi vào đến cửa chùa, một cách thành kính và tự nhiên nhất, đều để lại cuộc đời thực nơi ngưỡng cửa.

Điều tạo nên ấn tượng khó phai trong tôi ấy là khi được chứng kiến, buổi tối 108 vị tăng sư thượng tọa của Vương Quốc Campuchia được mời đến cầu nguyện tại đại sảnh của Nagaworld, cùng chúc phúc cho những người tham gia lễ hội cũng như toàn dân Campuchia. Những bài kinh kệ được cất vang bởi các vị sư và những người tham gia lễ hội. Lời kinh như một sợi dây vô hình thắt chặt hơn các tín đồ với đức Phật tạo nên một không khí linh thiêng, không gian tuy rộng nhưng thậm chí không loãng mà lại ấm cúng vì mọi người đang trải lòng thành khẩn cầu nguyện cho những người thân thiết.

Tiếp đến là lễ đăng đèn dâng hoa lên đức Phật. Nước dầu thơm ướp hàng triệu nụ hoa nhài được vẩy khắp nơi, làm ướt những người tham dự với lời cầu chúc, mong sao tâm hồn mọi người luôn tinh khiết, ngát hương như hoa, người người, nhà nhà may mắn, hạnh phúc. Để tỏ lòng cảm ơn đức Phật, người tham dự nhặt những nụ hoa lài tung trả lại đức Phật ba lần liên tiếp. Sau đó, những người tham dự lễ hội đến chào và chúc tụng các sư, các sư đáp trả bằng một vòng chỉ đỏ cầu chúc may mắn và bình an. Vòng chỉ đỏ ấy không bao giờ được rời xa gia chủ cho đến khi tự tuột ra.

Người thân thiện

Người hướng dẫn viên tên Đen – cái tên được người mẹ Việt đặt bởi màu da của anh khi chào đời - sau khi dẫn chúng tôi đến ăn tết tại nhà một người dân Khơme đã cùng chúng tôi lang thang khắp nơi không có trong lịch trình để thỏa mãn trí tò mò.

Lang thang trong trưa nắng, bỏ mặc những người cùng đoàn, tôi và anh lạc vào cung điện của hoàng thân. Không chỉ có màu vàng của nắng, của sơn son thiếp vàng, tôi còn cảm nhận được màu vàng của thứ kim loại quý này từ những đồ dùng hàng ngày của vua và hoàng hậu nơi đây. Nhìn ảnh vị hoàng thân khá thư sinh và… đẹp trai, tôi cũng không hiểu được sức lực nào đã giúp ông mặc nổi tấm áo làm từ những sợi chỉ vàng nặng tới trên 25 kg. Thấy tôi tò mò đến ngỡ ngàng, anh Đen lẳng lặng kéo tôi sang chùa Vàng.

Đem cơm trắng cúng chùa là nghi thức mà người dân Campuchia rất coi trọng
 
Quả thật, có đi chân trần trên hơn 5000 viên gạch bạc mới cảm nhận được cái “mát lạnh” khó tả. Tự nhủ, cảm giác đứng trên vàng, trên bạc quả là trải nghiệm thú vị trong đời. Tự nhủ, chỉ mất có 420 USD cho một tour máy bay khứ hồi, bay một vòng hơn 2 tiếng từ Hà Nội để được đi… “chân đất” kiểu này thì chắc chắn nhiều khách du lịch sẽ chẳng… ngại ngần gì.

Nhưng Campuchia vốn không phải chỉ có chuyện vàng, chuyện bạc. Qua bao năm chiến tranh, người dân nơi đây tự khi nào đã quen sống khiêm nhường hết mức có thể. Với họ, được đem cơm trắng vào chùa là một niềm hạnh phúc. Có nhìn những người đàn bà dâng cơm cúng tại chùa mới thấy họ tôn sùng đạo Phật đến nhường nào. Đen bảo tôi, anh chưa lấy được vợ vì anh chưa đi tu. Với người Campuchia, người đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi có “chứng chỉ ở chùa”. Anh còn cho biết, đức vua đang tại vị cũng chưa lấy vợ…

Lang thang mãi cũng chán, bỏ ra 2 USD – đây cũng là điều lạ lùng tại đất nước này, tiền “đô” tiêu thoải mái ở khắp chốn – tôi và mấy người bạn “nhảy” lên tuctuc (kiểu như xe tự chế của Việt Nam, có thêm chỗ ngồi dành cho 4 người phía sau) lang thang ra chợ Nga, chợ Nava… nơi anh Đen cho biết đây là… chỗ của các “tây, ta ba lô”. Anh bảo, nếu vào ngày thường, những khu chợ này đông đúc lắm, toàn hàng “made in Campuchia” với mức giá rẻ nên du khách… mê mẩn. Buồn cười vì những “cụm từ” rất Việt Nam của anh, tôi chợt chùng lòng nghĩ đến Hà Nội, nhớ đến Hàng Đào vốn tấp nập và cũng hút “tây ba lô” nhưng xuất xứ hàng hoá không chỉ có ở Việt Nam. Trước cổng chùa, nơi thờ vị “vua sư”, Đen đã tặng tôi một chiếc vòng kết bằng hoa nhài trắng với lời hẹn: Nếu có sang Campuchia lần nữa, anh sẽ cùng tôi đi thăm nhiều nhà người “đồng hương bên này”. Anh bảo, người Việt ở Phnompenh chiếm tới hơn 20% trên tổng số 1 triệu người tại đây.

72 tiếng ở Phompenh tưởng dài nhưng quá ngắn, đứng trên ban công tầng 10 của Nagaworld hotel, nhìn về ngã 4 sông Mêkông với 2 nhánh rẽ thành sông Tiền, sông Hậu, lưu luyến tạm biệt PhnomPenh, tạm biệt Campuchia mà thầm tiếc không có đủ thời gian để một lần đến với Biển Hồ qua nhánh sông còn lại, đến với Ăngkor để thăm lại điệu múa… của thần tiên.

Trở lại Việt Nam, về lại Hà Nội, trong miền ký ức của tôi có hương nhài vấn vít và một nỗi nhớ mang tên… Phnompenh.

Nguồn: Điễn Đàn Doanh Nghiệp



Các thông tin khác:
* Sôi động Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2018
* Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2018
* Sôi động Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2018
* Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2018
* Lễ hội hoa ban Điện Biên năm 2018 chính thức khai hội
* Liên hoan Ẩm thực quốc tế - Huế 2018
* Rực rỡ Ngày hội hoa Anh đào Tuyền Lâm, Đà Lạt 2018
* Quảng Bình mở tour thám hiểm đến hang lớn thứ tư thế giới
* Festival Huế 2018 - hội nhập và phát triển
* Khai mạc sự kiện Hoa Anh Đào - Pá Khoang - Điện Biên năm 2018
* Mù Cang Chải lọt top vùng núi đẹp nhất thế giới
* Khai trương Khu Du lịch sinh thái Hoa Sơn Điền Trang
* Phát hiện 58 hang động mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)
* Hồ Tràm Strip là khách sạn có sân golf tốt nhất thế giới
* Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7 năm 2017


Giới thiệu | Qui định | Thanh toán | Sitemap | Liên hệ
© 2008 - 2024 Tourbalo - Member Of PMV Corp, Tòa Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, HCMC
Website: www.Tourbalo.com - Tourbalo.vn, thông tin địa danh, bản đồ du lịch, vé máy bay, thuê xe, khách sạn, khu giải trí, shoping - mua sắm