Hướng dẫn | Đăng nhập | Đăng ký |    

VietNam English
Online 644 | Hotline: (84 8) 37 156 156
Danh Lam - Thắng Cảnh
Tìm Danh Lam - Thắng Cảnh  
Mỹ Sơn - Trầm mặc và kiêu hãnh

Con đường di sản miền Trung" là cụm từ mà ngành văn hóa và du lịch dùng để gọi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá của nước ta được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới: vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), phố cổ Hội An và khu tháp cổ Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam). Tính ra, các tỉnh miền Trung này đã có tới 5/6 di sản văn hóa thế giới của cả nước... Đất thiêng Mỹ Sơn

Đất thiêng Mỹ Sơn Huyện Duy Xuyên nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Nam, nơi có con sông Thu Bồn thơ mộng, suốt cả hai bờ sông là những ruộng lúa, nương dâu xanh tốt. Người xưa từng ca ngợi: "Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều; ban mai cửi mắc, ban chiều tơ giăng". Tuy nhiên, hình ảnh đặc trưng nhất của Duy Xuyên lại là những ngọn tháp Chăm trầm mặc mà kiêu hãnh nằm khuất giữa thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, cách huyện lỵ 30 km về phía tây bắc. Năm 1898, một nhà khoa học người Pháp tên là M.C.Paris đã phát hiện và công bố khu tháp cổ linh thiêng này. Không kỳ vĩ, đồ sộ như Ăngko Vát, Ăngko Thom (Campuchia), Bôrôbuđua (Indonesia), Pangan (Myanmar), Kim tự tháp (Ai Cập)... nhưng 30 đền, tháp còn lại trong số hơn 70 đền, tháp và một số lượng lớn bia ký ở Mỹ Sơn có niên đại xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VIII cũng quá đủ làm nên một bảo tàng kiến trúc và điêu khắc ngoài trời vô giá về nền văn hóa Chămpa. Trong số 225 đền, tháp Chăm phân bổ chủ yếu ở 20 điểm từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và một ít ở Tây Nguyên, Mỹ Sơn có 71 cá thể. Nghệ thuật xây dựng, chạm khắc, quan niệm của người Chăm xưa về vũ trụ, các đấng thần linh, về con người... đã đem đến cho khu đền tháp này một vẻ đẹp kỳ bí có một không hai ở Đông Nam Á. Điều bí ẩn nữa của tháp Chăm Mỹ Sơn là nghệ thuật chạm khắc trên gạch đến độ tinh tế, mỏng manh và rõ nét, nhẹ nhàng mà tài hoa, chạm khắc trên gạch mà hơn cả dùng bút vẽ lên giấy. Tháp Chăm được xây dựng để thờ các vị thần Ấn Độ giáo, trước hết là thần Siva. Các khu đền tháp có bố cục hướng tâm, các trục quay ra 4 hướng, mặt tiền và cửa chính ngoảnh về hướng Đông - hướng mặt trời mọc, nguồn gốc của sự sống. Người đầu tiên lập ra khu đền tháp Mỹ Sơn vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên là Vua Bhadravarman 1. Trải qua thiên tai, thời gian, chiến tranh, nhất là những đợt ném bom rải thảm của pháo đài bay B52 Mỹ trước năm 1970, khu đền tháp Mỹ Sơn bị tàn phá nặng nề. Năm 1977 tức 2 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất còn có thêm 17 chiến sĩ công binh đã hy sinh hoặc bị thương khi rà phá bom mìn ở nơi này. Ngày 4.12.1999, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khai thác tiềm năng du lịch Đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt, huyện Duy Xuyên được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 13 trong số 14 xã, thị trấn được phong danh hiệu này, một số xã được phong tặng 2 lần, 3 lần Anh hùng. Huyện có gần 10.000 liệt sĩ, 3.000 thương binh, 840 mẹ Việt Nam anh hùng. Ba mươi năm sau ngày giải phóng, với nhiều nỗ lực và quyết tâm, Duy Xuyên trở thành một trong những huyện kinh tế khá nhất của tỉnh Quảng Nam. Từ huyện sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp là chủ yếu, đến năm 2005, cơ cấu kinh tế của huyện là: dịch vụ-du lịch 35%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 33%, nông-lâm-ngư nghiệp 32%. Một huyện cả ngàn năm thuần nông đang quyết tâm đưa dịch vụ-du lịch thành ngành kinh tế hàng đầu quả là rất đáng khâm phục. Anh Nguyễn Công Hường - Giám đốc Khu di tích Mỹ Sơn cho biết, được tỉnh giao cho quản lý, khai thác Mỹ Sơn (từ năm 1996), tập thể cán bộ, nhân viên ở đây đã lăn lộn dưới mưa rừng, thác lũ để nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ, tiến hành các bước thủ tục trình UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. Và khi di tích vinh dự được đón nhận danh hiệu này, trách nhiệm của các anh càng nặng nề hơn. Một mặt, phải tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và trong nước về kinh tế, về kinh nghiệm để chống xuống cấp cho di tích, tiến hành khảo cổ và trùng tu các tòa tháp, đền đài, mặt khác phải lập lại trật tự buôn bán, dịch vụ của người dân trong và ngoài khu di tích. Huyện và Ban quản lý khu di tích đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân, đưa những người đến đây kiếm ăn tự do trở lại quê cũ, hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo để một số hộ chuyển nghề, giao đất giao rừng lâu dài cho người dân bảo vệ, chăm sóc. Việc lập lại trật tự buổi đầu thật lắm gian nan. Ở Mỹ Sơn trước năm 2000 đã từng xảy ra nhiều chuyện đáng buồn: Di tích bị xâm hại, cổ vật bị đào bới, bị mua bán trái phép; khách du lịch (chủ yếu khách quốc tế) đến đây đều bị "chém đẹp" - từ đi xe ôm, qua phà, mua hàng đến giải khát, ăn uống. Rất nhiều ô tô, xe máy của khách bị tháo đồ, đổi phụ tùng, hút xăng, xẹp lốp... Đã có một cuộc chiến đấu của lòng tự trọng, của văn hóa, của đất anh hùng Duy Xuyên quyết tâm rũ sạch những tệ nạn này. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã, xóm vào cuộc. Dựa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của huyện, của khu di tích mà tổ chức các loại hình, các hoạt động du lịch; xây dựng quy chế quản lý, khai thác giữa Khu di tích và xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Tân; gắn lợi ích của Nhà nước, tập thể và người dân; lấy lực lượng thanh thiếu niên làm xung kích trong công tác bảo vệ di tích, danh thắng. Khi cảnh quan, môi trường đã thực sự trong lành, người dân có được cung cách làm du lịch bằng văn hóa, huyện Duy Xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút thêm du khách. Một huyện "nhà quê" mà dám mở 2 cuộc triển lãm có quy mô lớn về di sản văn hóa và tiềm năng du lịch của mình ở thủ đô Hà Nội và TP.HCM; phối hợp cùng ngành văn hóa - thông tin của tỉnh ra các đầu sách Thánh địa Mỹ Sơn, Bà chúa tằm tang xứ Quảng, Di tích Chăm ở Quảng Nam, Duy Xuyên - tiềm năng văn hóa và du lịch, sản xuất các băng đĩa hình, đĩa nhạc, bản đồ, tờ gấp phục vụ du khách. Từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm Di sản thế giới Mỹ Sơn đón 200.000 lượt khách du lịch, 70% là khách quốc tế, ngày cao điểm lên tới 500 - 600 lượt khách và xu hướng còn tăng cao hơn nữa. Gần đây, các nhà khảo cổ học tiếp tục có những phát hiện quan trọng về Mỹ Sơn: một hệ thống đền đài, tháp cổ nằm sâu trong lòng đất đang lộ dần về một Mỹ Sơn xa xưa, kỳ bí hơn, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách hơn. Nằm trên con đường Di sản miền Trung, Mỹ Sơn nói riêng, Duy Xuyên nói chung đang hấp dẫn, vẫy gọi du khách từ tầng sâu văn hóa hàng ngàn năm trước và cả nội lực nhiều chiều, nhiều mới mẻ của hôm nay.



Các thông tin khác:
* Sững sờ trước vẻ đẹp cổ kính của Bổ Đà cổ tự ở Bắc Giang
* Hồ Pác Mỏ - Thắng cảnh đẹp ở Lạng Sơn
* Núi chùa Non Nước - Thắng cảnh đẹp ở Ninh Bình
* Đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh
* Cao nguyên đá Đồng Văn - Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi biên cương Tổ quốc
* Tràng An cổ - điểm đến thú vị ở Ninh Bình
* Sức hút hồ T’Nưng, Gia Lai
* Chùa Hang – Thắng cảnh đẹp ở Kiên Giang
* Thác Nặm Tạu - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ở Hà Giang
* Khám phá biển Cổ Thạch đẹp như tranh vẽ
* Về Kinh Bắc khám phá vẻ đẹp Đền Đô
* Suối Đá Giăng (Nha Trang) – Điểm đến thú vị
* Hang Tiên 2 (Quảng Bình): Vẻ đẹp kỳ vĩ
* Vẻ đẹp tháp Hòa Lai – Ninh Thuận
* Thác Giang Điền
Tour mới nhất
- Ngày khởi hành: 24/01/2013
- Ngày về: 24/12/2013
- Giá tour: 243 USD/Khách
Ảnh đẹp
Tokyo về đêm
Cầu Mỹ Thuận
Củ Chi


Giới thiệu | Qui định | Thanh toán | Sitemap | Liên hệ
© 2008 - 2024 Tourbalo - Member Of PMV Corp, Tòa Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, HCMC
Website: www.Tourbalo.com - Tourbalo.vn, thông tin địa danh, bản đồ du lịch, vé máy bay, thuê xe, khách sạn, khu giải trí, shoping - mua sắm