Hướng dẫn | Đăng nhập | Đăng ký |    

VietNam English
Online 1212 | Hotline: (84 8) 37 156 156
Danh Lam - Thắng Cảnh
Tìm Danh Lam - Thắng Cảnh  
Hai địa danh nổi tiếng ở Bạc Liêu

Nhắc đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến giai thoại về tay công tử nổi tiếng phong lưu khắp Lục tỉnh Nam kỳ, nhớ đến soạn giả Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” độc đáo cùng vườn chim và vườn nhãn trăm năm tuổi, với những cây nhãn cổ thụ người ôm không xuể… Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất. Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan. Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Chưa hết, người dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thấy giống nhãn này thơm ngon, nên cũng qua tìm giống mang về Vĩnh Châu trồng thử. Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo. Trước đây, cả khu vực trồng nhãn không có nước tưới, bởi phía trước là biển còn sau lưng là đất giồng cát. Cây nhãn phải sống nhờ vào nước mưa nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa kết trái sum suê, hàng năm cứ đến tháng 5 là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch; mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ. Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400kg/vụ. Những năm nhãn được giá từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lên thì nhiều hộ trồng nhãn có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thậm chí có hộ đạt đến cả trăm triệu đồng. Trong những năm gần đây giá nhãn trên thị trường liên tục bị rớt, cộng với sự già cỗi, thoái hóa, giống bị lẫn tạp và thường xuyên bị sâu bệnh tấn công làm cho năng suất giảm dần. Hiệu quả kinh tế thấp, hàng loạt nhà vườn đốn bỏ nhãn cổ để chuyển sang trồng các loại cây khác, hoặc trồng các loại nhãn mới như xuồng cơm vàng, tiêu da bò..., vừa cho năng suất cao, vừa quay vòng nhanh và có thể áp dụng 2 năm - 3 vụ. Ngay cả vườn nhãn cổ của ông Trương Kiết cũng đã phá bỏ hơn 50%. Khôi phục và giữ lại vườn nhãn cổ Bạc Liêu đang là vấn đề cấp bách đang được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hiện thị xã Bạc Liêu đang phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án chuyển khu vườn nhãn cổ sang làm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Đây được xem giải pháp khả thi nhằm bảo vệ diện tích nhãn cổ còn lại. Trên thực tế mấy năm gần đây, khoảng 15 hộ ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã tự thiết kế lại vườn nhãn cổ, mở điểm du lịch. Tại đây, vườn nhãn cao, thoáng mát và diện tích rộng thích hợp làm nơi cắm trại, dã ngoại, nghỉ ngơi... nhất là du khách ở các tỉnh xa thường đến vào mùa hè để thưởng thức nhãn cổ Bạc Liêu chín rộ. Theo ông Huỳnh Quốc Dân - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu, mục tiêu chính của dự án là quyết tâm bảo tồn và phát triển vườn nhãn cổ gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng sinh sống tại vườn nhãn và xem đây là nét đặc thù riêng của khu du lịch. Theo dự án này, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành qui hoạch lại khu vườn nhãn cổ, có thể loại bỏ một số cây già cỗi bị nhiễm bệnh, cho năng suất thấp, thay thế vào đó là các loại nhãn khác hoặc xen canh cùng xoài, sa pô, mãng cầu, cam, bưởi... và bố trí thêm cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp hơn. Về lâu dài, tại đây sẽ là nơi tổ chức các hội thi cây cảnh, cá cảnh, chim thú... vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, vừa thu hút khách tham quan đến nhiều hơn. Đặc biệt, khu du lịch vườn nhãn còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Tại đây sẽ xây dựng nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) từ ngày đầu về cư ngụ đến nay. Riêng các vườn nhãn sẽ xây dựng thêm nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer, vừa là nhà mẫu truyền thống của dân tộc vừa là nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi. Ngoài ra, du khách còn được nghe đàn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Các món ăn đặc thù và những lễ hội văn hóa cổ truyền của 3 dân tộc sẽ được tổ chức thường xuyên tại khu du lịch vườn nhãn…

Dịch vụ du lịch ở Nhà công tử Bạc Liêu  Nhà Công tử Bạc Liêu tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu là địa chỉ không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đặt chân tới Bạc Liêu. Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy - người được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu”. Ngôi nhà được xây dựng năm 1919, tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và lối cầu thang lên lầu. Tầng lầu gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Phòng ở hướng Đông Bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (dân địa phương gọi là Ba Huy). Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng với nhiều vật liệu phải chở từ bên Pháp sang. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó. Năm 2003, Công ty Du lịch Bạc Liêu (nay là công ty cổ phần) đã đầu tư tu sửa căn nhà để đưa vào kinh doanh văn hóa du lịch. Hiện nay căn nhà này được dùng làm khách sạn trong hệ thống Nhà hàng - Khách sạn công tử Bạc Liêu. Công tử Bạc Liêu Ba Huy nổi tiếng vì những giai thoại ăn chơi bạt mạng và lắm vợ, nhiều... bồ bịch. Ba Huy chỉ thừa nhận một vợ do cha, mẹ cưới hỏi là bà Ngô Thị Đen. Tuy nhiên, ông cũng có thêm 4 bà nữa, trong đó có một người mang quốc tịch Pháp và không nhớ nổi bao nhiêu bồ. Là người hào hoa phong nhã, cách ăn chơi của Ba Huy cũng nức tiếng với nhiều giai thoại như chuyện Ba Huy đã từng đốt tiền nấu chè thi gan với công tử Phước (Phước Georges, người xứ Mỹ Tho, con trai Đốc phủ sứ Sảng). Công tử Bạc Liêu đã từng quậy tưng bừng tại khu Đại Thế Giới, là khách quen của hầu hết các nhà hàng sang trong lúc bấy giờ tại Sài Gòn. Ba Huy đã từng bao cả nhà hàng một đêm để đãi duy nhất một... người đẹp. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng. Tuy nhiên, do qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nên vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều. Theo Giám đốc Nhà hàng - Khách sạn công tử Bạc Liêu, hiện nay khách sạn hiện đang kinh doanh 10 phòng nghỉ. Giá phòng từ 200.000-240.000 đồng/ngày đêm. Riêng căn phòng của công tử Bạc Liêu có giá thuê 350.000 đồng/ngày đêm, nhưng phải đặt trước vì có nhiều khách muốn ngủ tại phòng này. Được biết sắp tới, Nhà hàng – khách sạn sẽ đưa vào khai thác trang phục công tử Bạc Liêu, các vật dụng có liên quan để thu hút khách du lịch.



Các thông tin khác:
* Sững sờ trước vẻ đẹp cổ kính của Bổ Đà cổ tự ở Bắc Giang
* Hồ Pác Mỏ - Thắng cảnh đẹp ở Lạng Sơn
* Núi chùa Non Nước - Thắng cảnh đẹp ở Ninh Bình
* Đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh
* Cao nguyên đá Đồng Văn - Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi biên cương Tổ quốc
* Tràng An cổ - điểm đến thú vị ở Ninh Bình
* Sức hút hồ T’Nưng, Gia Lai
* Chùa Hang – Thắng cảnh đẹp ở Kiên Giang
* Thác Nặm Tạu - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ở Hà Giang
* Khám phá biển Cổ Thạch đẹp như tranh vẽ
* Về Kinh Bắc khám phá vẻ đẹp Đền Đô
* Suối Đá Giăng (Nha Trang) – Điểm đến thú vị
* Hang Tiên 2 (Quảng Bình): Vẻ đẹp kỳ vĩ
* Vẻ đẹp tháp Hòa Lai – Ninh Thuận
* Thác Giang Điền
Tour mới nhất
- Ngày khởi hành: 24/01/2013
- Ngày về: 24/12/2013
- Giá tour: 243 USD/Khách
Ảnh đẹp
Biển Kata
Vườn hoa dưới chân n
Hồ truyền thống


Giới thiệu | Qui định | Thanh toán | Sitemap | Liên hệ
© 2008 - 2024 Tourbalo - Member Of PMV Corp, Tòa Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, HCMC
Website: www.Tourbalo.com - Tourbalo.vn, thông tin địa danh, bản đồ du lịch, vé máy bay, thuê xe, khách sạn, khu giải trí, shoping - mua sắm