Lần đầu tiên ý tưởng đưa làng nghề vào khai thác du lịch xuyên suốt "con đường di sản" đã được các nhà hoạch định chiến lược du lịch 3 tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế bắt tay hợp tác. Nhiều tour du lịch qua 12 làng nghề đậm chất văn hoá của vùng du lịch động lực miền Trung chính thức đã được khởi động trong năm 2003.
Thật ra, ý tưởng mở những tour du lịch làng nghề không mới. Kể từ sau sự kiện tháng 12.1999 - Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, thông qua sự quảng bá, hoạt động của các chương trình hành động quốc gia về du lịch, lượng khách du lịch đến Việt Nam và vùng du lịch động lực miền Trung gia tăng đáng kể, luôn đẩy các khách sạn vào tình trạng quá tải. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã mở các tour du lịch đến các làng nghề. Doanh thu du lịch không ngừng tăng lên. Nhưng xét cho cùng, thắng lớn của ngành du lịch cũng chỉ gói gọn trong hoạt động kinh doanh lưu trú. Con số thu được từ lữ hành còn quá nhỏ lẻ. Sự thiếu vắng các sản phẩm lẫn sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch trong tương lai, hướng đến các sản phẩm du lịch: Văn hoá, sinh thái, mạo hiểm, làng quê - làng nghề và du lịch theo chủ đề ngày càng gia tăng đã buộc các nhà du lịch nhiều lần ngồi lại tìm đường khai thông. Làng nghề là một trong những lựa chọn số 1. Nhưng trong rất nhiều năm, số phận của làng nghề, nghệ nhân với đôi tay vàng, đã từng tác tạo ra những sản phẩm tuyệt mỹ, để lại dấu ấn tài hoa trên những công trình trường tồn với thời gian như kinh thành Huế, phố cổ Hội An, đã từng được các vua triều Nguyễn sắc phong... phải đắm chìm trong cảnh suy vong lụi tàn, ít ai đoái hoài. Mãi đến cuối năm 2002, hợp tác giữa 3 địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế mới chính thức được triển khai, bằng một cuộc khảo sát kéo dài trong vòng 6 ngày qua 12 làng nghề đặc trưng hồi cuối tháng 12.2002, chuẩn bị cho những tour du lịch làng nghề sẽ mở trong tương lai. Quan điểm chọn lựa của nhóm khảo sát là tất cả làng nghề hiện đang tồn tại hay suy vong. Mục đích là tìm kiếm cơ hội đầu tư thoả đáng để phát triển, phục hồi làng nghề, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng du lịch động lực miền Trung. 12 làng nghề được chọn khảo sát lần này gồm: Làng mây tre đan Phò Trạch, chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên và làng chài Thuận An, đúc đồng Phường Đúc (Huế); làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng); làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai... Kết quả khảo sát đã mang lại nhiều ý tưởng thú vị trong tương lai. Đợi ngày mở cửa Một cuộc tranh biện khá căng thẳng, gay gắt nhưng đầy thiện chí nổ ra ngay giữa ngày công bố kết quả đợt khảo sát, xây dựng hoàn chỉnh tour du lịch với sự tham gia đầy đủ của các sở, ban, ngành, công ty lữ hành của 3 địa phương. Không ít ý kiến cho rằng, liệu có ảo tưởng không khi quyết định mở các tour du lịch làng nghề. Tình trạng nhàm chán và đơn điệu trong tương lai sẽ là điều không tránh khỏi! Liệu có thể mở tour hay không khi các làng nghề hầu hết đều đang trong tình trạng suy vong? Song cuối cùng, tất cả đều nhất trí việc xây dựng tour du lịch làng nghề hoàn toàn khả thi, phù hợp với định hướng phát triển du lịch và khai thác được tiềm năng vốn có tại các địa phương. Các công ty lữ hành của 3 tỉnh, thành đã tìm thấy cơ hội làm ăn từ các làng nghề, sẵn sàng vào cuộc khi tour du lịch được mở. Ông Nguyễn Hồng Vân, hiện là giám đốc Sở Thương mại, đại diện cho ngành thương mại - du lịch Quảng Nam, chủ xướng của cuộc khảo sát làng nghề cho biết, nhất định sẽ mở một tour du lịch chuyên đề tham quan, mua sắm tại các làng nghề theo đơn đặt hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam và các tour du lịch tổng hợp gắn với làng nghề. Thông qua du lịch, các làng nghề sẽ dễ dàng được khôi phục, tìm lại thời vang bóng, dưới sự bảo trợ của nhiều ngành! Trên cơ sở thực trạng phát triển của các làng nghề và tiềm năng du lịch sẵn có của 3 địa phương, trước mắt thiết lập một số tour: Tour du lịch chuyên đề gồm 4 chương trình: Hội An - Kim Bồng - Thanh Hà - Phước Kiều - Mã Châu; Đà Nẵng - Non Nước - Trà Quế - Kim Bồng - Thanh Hà - Phước Kiều; Hội An - Trà Quế - Non Nước - Huế - Phường Đúc và Huế - Phường Đúc - Non Nước - Hội An - Kim Bồng - Thanh Hà - Mã Châu. Tour du lịch tổng hợp gắn với làng nghề gồm 5 chương trình: Hội An - Kim Bồng - Phước Kiều - Đông Yên - Di sản VHTG Mỹ Sơn, Hội An - Non Nước - Cổ viện Chàm (Đà Nẵng) - Lăng Cô - Cố đô Huế - Phường Đúc; Hội An - Trà Quế - Đà Nẵng - Bà Nà - Cố đô Huế - nhà vườn Huế; Cố đô Huế - Phường Đúc - Bạch Mã - Lăng Cô - Đà Nẵng - Non Nước - phố cổ Hội An - làng nghề - Mỹ Sơn và chương trình Đà Nẵng - Non Nước - Hội An - làng nghề - tháp Chiên Đàn và hồ Phú Ninh. Tất cả đã chính thức được mở ngay trong năm 2003 với sự hợp tác chặt chẽ của 3 địa phương. Không cần phải bàn cãi gì nhiều, việc triển khai xây dựng tour du lịch làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm mở rộng không gian, đa dạng hoá các loại hình du lịch, bổ sung thêm nhiều sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến vùng du lịch động lực miền Trung, góp phần thúc đẩy không chỉ du lịch mà còn cho các loại hình kinh tế khác tại các địa phương đúng định hướng và bền vững là một chương trình hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tour du lịch làng nghề trên con đường di sản có bán được tour, có thật sự hấp dẫn du khách lâu dài, có đúng như ý đồ của những người hoạch định hay không thì chỉ riêng ngành du lịch không, chưa đủ, nếu không có sự tự vận động của các làng nghề cùng nỗ lực "xắn tay áo" của nhiều ngành.