Hướng dẫn | Đăng nhập | Đăng ký |    

VietNam English
Online 828 | Hotline: (84 8) 37 156 156
Văn hóa - Lễ hội
Tìm Văn hóa - Lễ hội  
Mùa xuân vui hội Lồng tồng (Bắc Cạn)

Hơn nửa thế kỷ qua, câu thơ "Áo em thêu chỉ biếc hồng, Mùa xuân ngày hội lồng tồng thêm vui" của Tố Hữu đã có đời sống riêng của nó trong nhiều thế hệ người đọc và lễ hội Lồng tồng của đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc đã đi vào thơ ca như là lễ hội văn hóa tiêu biểu mỗi dịp Xuân về. Và ngày mồng 10 tháng Giêng mới đây, một lễ hội như vậy được tổ chức ở Ba Bể (Bắc Cạn).

Lồng tồng (còn là lồng tổng theo tiếng Tày - Nùng, hay lồng tộng theo tiếng Dao), có nghĩa là "xuống đồng". Cũng như người Việt, từ xa xưa, đồng bào miền núi phía bắc, nhất là đồng bào Tày - Nùng, đã luôn luôn sinh sống gắn bó với tự nhiên. Bản làng, núi đồi, ruộng đồng, nương rẫy trở thành "bạn đồng hành" của họ và đến hôm nay, nhiều tập quán và phong tục, nhiều ứng xử với thế giới chung quanh vẫn còn mang đậm nét truyền thống xưa kia. Xét về văn hóa, phải nói rằng nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía bắc đã phát triển khá cao. Và lễ hội Lồng tồng - lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa dưới ruộng, củ sắn trên nương luôn luôn tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm, là một biểu hiện sinh động của nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã nổi tiếng ở Việt Bắc từ lâu. Sau hàng chục năm bị gián đoạn vì chiến tranh, vì cách nhìn phiến diện của một thời về văn hóa lễ hội và tín ngưỡng dân gian, nên từ năm 1995, Hội mới được khôi phục và được tổ chức ven hồ Ba Bể, phía dưới chân núi Bó Lù, thuộc xã Nam Mẫu. Lễ hội này gắn liền với vùng đất có huyền thoại về sự tích hồ Ba Bể, nơi Pò Già Mải - gò Bà Góa - còn đứng đó như một chứng tích. Sáng mồng 10 tháng Giêng, trời bỗng mưa rả rích, như muốn làm nản lòng người đi hội. Sắp đến giờ khai hội mà trên bãi cỏ tuyệt đẹp nơi sẽ diễn ra lễ hội, mới chỉ có vài trăm người dạo quanh, cùng mấy cái trại và lều quán lúp xúp của người bán hàng. Vậy rồi, hẳn là vì "trời" thương người Ba Bể cả năm có một ngày hội lớn, nên nắng hửng dần Trên các nẻo đường từ Chợ Ðồn lên, từ Bắc Cạn vào, từ Tuyên Quang sang, trên những đường mòn từ các bản làng quanh hồ, không khí lễ hội cũng ấm dần lên, theo bước chân của du khách. Họ là người Tày, người Dao, người Mông, người Kinh... từ các nơi. Cả nghìn chiếc xe máy, dăm chục chiếc ô-tô mang biển Bắc Cạn, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, cả xe mang biển ngoại giao, đã quây kín chỗ đậu xe và dọc theo con đường thoai thoải dẫn vào nơi khai hội. Những chiếc thuyền du lịch cũng tấp vào bờ để khách lên. Bà Vư Thị Chư, người Mông, 73 tuổi đi cùng mười cô gái từ Xuân Lạc, Chợ Ðồn, đến dự hội, phải mất 2 giờ đi bộ mới đến nơi, lại mất thêm hai mươi phút nữa để chỉnh lại váy áo, vì phải lội qua mấy con suối. Vư Thị Vàng, 18 tuổi, cháu ngoại bà Chư, khoe với tôi: "Năm nào bà cũng dẫn chúng em đi hội Lồng tồng!". Nhìn các cô gái người Mông xinh xắn, rực rỡ váy áo, ríu rít quanh bà, nhiều người không giấu được cảm xúc về cái đẹp tươi tắn và đầy sức sống, như bắt gặp mùa xuân đang về khắp non ngàn Việt Bắc. Và ống kính máy ảnh của nhiều du khách liền vội chớp lấy. Theo lời kể của nhà văn Ma Trường Nguyên, dân tộc Tày, thì ngày trước hội Lồng tồng có rất nhiều nghi thức và thành phần lễ hội sinh động. Ðó là ngày hội của mọi nhà, vì nhà nhà đều tham gia làm lễ. Mà mỗi nhà lại có một mâm cúng riêng. Trên mâm cúng có gà trống luộc, có thịt lợn nạc, có cặp bánh chưng (mon hua) gói bằng lá dong; rồi trứng gà luộc nhuộm phẩm với bốn mầu đỏ - tím - vàng - xanh. Rồi xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, trên mỗi đĩa xôi lại có một con chim én làm bằng giấy đỏ đậu trên, mang theo biểu tượng của mùa xuân, như để gửi gắm ước mơ về sự no ấm, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành. Vào buổi sáng diễn ra hội Lồng tồng, các gia đình ở bản tổ chức lễ hội cùng nhau đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản. Các mâm cúng được xếp lần lượt theo hàng, mâm trên cùng là mâm cúng của thầy mo già được kính trọng nhất trong vùng và cũng là người chủ trì lễ hội Mọi người đứng vòng tròn quanh mâm cúng. Khi những nén hương được thắp lên, thầy mo đọc bài khấn và thực hiện các nghi thức cầu cúng, lễ tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy, Sơn thần, Thủy thần (những vị thần chi phối việc trồng trỉa) và thành hoàng (vị thần bảo hộ cho dân làng) độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia cầm sinh sôi, bản, làng bình yên no ấm... Các cô gái đẹp nhất trong vùng sẽ dâng nước cúng đựng trong các vỏ quả bầu. Ðây được coi là nước thiêng, phải lấy từ đầu nguồn. Rồi thầy mo ngửa mặt lên trời, tay bưng cao các "nậm" nước thiêng của các mâm cúng, cầu mong nước từ "mương trời" tưới khắp trần gian, cho ruộng nương. Khấn xong, thầy mo tưới nước ra khắp bốn phương trời, mọi người cùng nhau hứng nước để được hưởng phúc... Sau phần nghi lễ là phần hội, được mở đầu bằng hội tung còn. Những quả còn được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông được nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được các nam thanh nữ tú thi ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Ðó là hai biểu tượng đặc sắc của Dương và Âm, cái gốc của vũ trụ và vạn vật. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là Âm - Dương đã giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Bởi vậy, ở bất cứ hội Lồng tồng nào, việc ném còn trúng hồng tâm cũng là một nghi thức bắt buộc, bởi đồng bào quan niệm rằng, nếu Âm - Dương không giao hòa, năm ấy làng, bản sẽ không may mắn, mùa màng sẽ thất bát. Người ném trúng hồng tâm sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy. Song, thường thì người thắng cuộc chỉ nhận về mình cái danh thơm, còn mâm cỗ lại mang ra khao làng! Một điều thú vị nữa là khi các nam thanh nữ tú bắt được quả còn của nhau thì xem như đã được Trời se duyên đôi lứa, bởi vậy, hội Lồng tồng cũng là dịp để trai gái xa gần tìm hiểu nhau và bén duyên vợ chồng. Sau hội tung còn là các trò chơi như đánh yến, đánh quay, kéo co, bịt mắt bắt dê... Ðêm lễ hội Lồng tồng, trai gái hát sli, hát lượn thâu đêm suốt sáng với lượn mời, lượn nghênh đón, lượn xe kết, lượn mừng và lượn tạm biệt... Theo mô tả của nhà văn thì lễ hội Lồng tồng là một lễ hội dân gian, giàu bản sắc, đa dạng trong hình thức hoạt động. Cho dù ở mỗi vùng đất, lễ hội Lồng tồng lại mang những nét độc đáo riêng, nhưng phải nói rằng, Lễ hội Lồng tồng ở Ba Bể năm nay chưa thật phong phú. Phần lễ được thực hiện từ hôm trước ở đền An Mã còn đơn giản cả về nghi lễ lẫn đồ thờ cúng. Phần trò chơi cũng vậy. Ðua thuyền độc mộc, nét văn hóa riêng của vùng Ba Bể, chỉ có sáu cặp tham gia. Các trò chơi có ném còn, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê, kéo co. Nhiều trò chơi dân gian khác như đi cà kheo, đánh yến, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, thi hát đối đáp (phong slư)... xem như bị bỏ quên. Các làn điệu then, lượn thi thoảng cất lên đơn lẻ, lẫn trong những bài hát mới, lẫn trong tiếng nhạc nước ngoài xập xình ầm ỹ từ các lán "vui chơi có thưởng", là nơi hấp dẫn thanh thiếu niên hơn cả. Tuy nhiên, nhìn gương mặt hớn hở của người tham dự, từ bà cụ già người Tày khăn vấn túi chéo, đến những em nhỏ người Dao phong phanh áo vải dép lê, nhìn nam thanh nữ tú khăn len áo "phao" tay trong tay dập dìu, càng thấy nhu cầu dự hội, vui chơi, giao lưu văn hóa của người dân vùng cao lớn biết chừng nào! Nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể là bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do nhà mình tự làm ra, khiến hội Lồng tồng còn có mầu sắc của hội chợ nông sản. Du khách thích thú nhìn những chiếc giỏ cá đan bằng trúc, hình dẹt, khá lạ mắt với người dưới xuôi vốn quen với thứ giỏ tre hình quả bầu, nằm lăn lóc dưới chân ông Hà, một lão nông đến từ Nam Cường, huyện Chợ Ðồn. Ông không mời khách, ai thấy lạ thì hỏi, ai thấy cần thì mua. Thứ dụng cụ để đựng cá vốn quen thuộc với dân vùng hồ, nên ông đã bán được mươi chiếc, giá 10 nghìn đồng và 15 nghìn đồng một chiếc, tùy to nhỏ. Cạnh ông, mấy bác, mấy chị người Dao bày bán thịt bò khô với giá 80 nghìn đồng/kg. Một dãy hàng măng tươi trải dài, những búp măng mập mạp bán với giá mười nghìn đồng một xâu, mỗi xâu bốn, năm cái. "Măng đắng nhưng chưa có sấm nên ngọt lắm", các cô bán măng ríu rít mời chào. Rồi là những hàng mía tím, những đống củ đậu to uỳnh to oàng, có củ phải tới ba, bốn kg. Tất cả đều là đặc sản của Ba Bể. Từ Quảng Khê, cách Ba Bể 15 km, những người đàn bà suốt đêm cặm cụi làm bánh cuốn, bánh ngải, rồi băng rừng mang tới Ba Bể khi trời vừa sáng. Cô gái Tày Nông Thị Hải khoe món bánh "phạ" - làm bằng bột nếp xay, viên tròn, thả trong chảo mỡ rồi lăn vào mật mía, dùng để cúng tế đầu năm ("phạ" trong tiếng Tày nghĩa là "Trời"). Trứng luộc cũng là đặc sản ở đây. Những quả trứng vịt to tròn, nhuộm mầu đỏ tím trông rất bắt mắt, bên trong đầy lòng đỏ, ăn vừa đậm vừa bùi, bởi vịt nuôi bằng ngô chứ không bằng cám tăng trọng như ở nhiều vùng xuôi bây giờ. Lẫn trong hàng bắp cải, măng tươi lại có hai phản thịt lợn. "Thịt lợn trên này ngon và thơm lắm, mua đi!", chị Châm ở Thái Nguyên vừa mua chiếc chân giò vừa bảo vậy. Không còn nhiều bản sắc truyền thống - đó là điều mà không ít du khách thốt lên, khi muốn tìm lại các nét độc đáo trong lễ hội Lồng tồng ở Ba Bể. Sự thất vọng lộ rõ trong mắt các giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học tự nhiên và xã hội thuộc Ðại học Thái Nguyên, khi chọn Ba Bể làm nơi điền dã và thực hành tiếng Tày - môn học được đưa vào chương trình chính khóa của sinh viên chuyên ngành văn học. Ðồng chí Mạch Văn Biểu, Bí thư Ðảng ủy xã Nam Mẫu cho biết: "Những năm trước, có đến ba chục nghìn người về dự hội, năm nay chẳng được non nửa. Tại trời mưa một phần, lý do chính là người ta nghĩ năm nay hội do cấp xã tổ chức nên quy mô nhỏ, kém vui". Một lễ hội danh tiếng như vậy mà kinh phí tổ chức do cấp xã bỏ ra vẻn vẹn 30 triệu đồng, mặc dù số tiền đó đã chiếm tới gần một phần ba tổng thu ngân sách của xã. Ông cũng cho biết, các năm trước, tỉnh và huyện trực tiếp tổ chức, nên quy mô lớn, nội dung phong phú hơn, khách đến nhiều hơn và ở lại lâu hơn Trời về chiều, Hội Lồng tồng Ba Bể kết thúc giữa lúc người còn đông mà trò chơi thì đã cạn. Cầm quả còn nhồi bằng cát, trơ trọi một cái tua, thắt thêm hai cái nút bằng vải khác mầu mà thấy nao lòng. Nó đâu còn là nơi gửi gắm các triết lý nhân sinh tinh tế của người xưa. Một lễ hội truyền thống ở vùng sơn thủy hữu tình xem ra chưa được duy trì và phát triển từ nguyên mẫu để tiếng tăm thơm xa, thơm lâu, để giữ được lời hẹn trở lại của du khách. Thiết nghĩ, xưa kia lễ hội vừa là ngày để bày tỏ lòng quý trọng tự nhiên, lòng thành kính với tổ tiên, với người có công tích với cộng đồng để cầu mong sự phù hộ; vừa là ngày vui chơi của mọi người. Do vậy, các lễ hội truyền thống từ lúc sơ khởi đến khi hình thành, rồi ghi dấu ấn ổn định trong công chúng chính là ở tính đặc biệt của nghi lễ, ở sự độc đáo, phong phú và hấp dẫn của các trò chơi, bên các hoạt động phụ trợ khác. Những năm gần đây, lễ hội truyền thống đã được tổ chức khá nhiều ở các địa phương. Trong một số điều cần bàn về lễ hội, thì sự đơn điệu trong cách thức tổ chức, sự lấn át của phương tiện và hình thức hoạt động hiện đại đối với các giá trị, hình thức hoạt động của văn hóa dân gian là điều rất nên bàn tới. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các lễ hội miền xuôi mà đã có mặt ở lễ trước đây còn mang đậm dấu ấn truyền thống. Ðó cũng là điều các cơ quan văn hóa cần quan tâm, để tạo ra nội dung - hình thức mới của lễ hội, vừa phù hợp với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi và giao lưu văn hóa của mọi người, vừa giữ gìn được bản sắc, nét đẹp truyền thống của các lễ hội.



Các thông tin khác:
* Tham quan làng nghề bánh gai ở xã Hát Lót - Sơn La
* Nghề làm bánh chưng gù ở Bản Tùy (Hà Giang)
* Điện Biên: Lễ hội hoa Ban năm 2018
* Thái Nguyên tổ chức lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương”
* Ra mắt lễ hội Tulip lớn nhất Việt Nam tại Vinpearl Nha Trang
* Khai hội Lim mang đậm bản sắc văn hóa vùng Kinh Bắc
* Trống cái da trâu, báu vật thiêng của người Ê Đê
* Sli – Dân ca đặc sắc của người Nùng ở Thái Nguyên
* Khai mạc Hội hoa Sở năm 2017
* Độc đáo Lễ hội bơi Đăm ở Hà Nội
* Náo nức với Mùa hội Cỏ hồng đầu tiên ở Đà Lạt
* Tục chặt củi ‘bắt chồng’ của người Jẻ-Triêng Kon Tum
* Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - An Giang 2017
* Lễ Bốc Mó của dân tộc Thổ ở Nghệ An
* Ẩm thực Huế - Đại sứ văn hóa Việt Nam
Tour mới nhất
- Ngày khởi hành: 24/01/2013
- Ngày về: 24/12/2013
- Giá tour: 243 USD/Khách
Ảnh đẹp
Dinh Độc Lập
Tam Cốc – Bích Động
Biển Kata
Đảo Panyee


Giới thiệu | Qui định | Thanh toán | Sitemap | Liên hệ
© 2008 - 2024 Tourbalo - Member Of PMV Corp, Tòa Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, HCMC
Website: www.Tourbalo.com - Tourbalo.vn, thông tin địa danh, bản đồ du lịch, vé máy bay, thuê xe, khách sạn, khu giải trí, shoping - mua sắm